"Nguyễn Văn Tố - Người trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội'

BBK - Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời cao đẹp và những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố - nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán, tài năng của Nhà nước; đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày 4/6, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nguyễn Văn Tố - Người trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội”, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2024).

Quang cảnh Hội thảo khoa học
Quang cảnh Hội thảo khoa học

Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cụ Nguyễn Văn Tố, hiệu là Ứng Hòe, sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với tấm lòng nhiệt huyết của một trí thức yêu nước chân chính, cụ Nguyễn Văn Tố đã tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, đặc biệt là tham gia tổ chức học chữ quốc ngữ, góp phần khai mở dân trí và giáo dục, truyền bá tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào trong các tầng lớp nhân dân.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trân trọng đức tài của cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời. Cụ Nguyễn Văn Tố đã đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, sau đó làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Bộ trưởng không bộ. Ngày 25/10/1947, cụ Nguyễn Văn Tố đã hy sinh khi quân Pháp đánh lên Việt Bắc.

“Trọn cuộc đời, cụ đã nêu tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã trọn đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố như: Người trí thức yêu nước tiêu biểu, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển nền văn hóa của dân tộc; nhà lãnh đạo tài năng của Quốc hội và Chính phủ; tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước nhiệt thành, phấn đấu, hy sinh trọn đời vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Đề cập tới cống hiến của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định, thời gian công tác trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội tuy ngắn, từ tháng 8/1945-3/1946, nhưng với trách nhiệm và nhiệt huyết trước dân và Chính phủ, cụ Nguyễn Văn Tố đã có nhiều cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Các ý kiến tại Hội thảo
Các ý kiến tại Hội thảo

“Cụ Nguyễn Văn Tố đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, cùng Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo. Hình ảnh một vị Bộ trưởng giản dị, xông xáo, nhân hậu, lăn lộn cùng dân vận động thành lập Hội Cứu đói; cùng Chính phủ và toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm 1945-1946 sống mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho rằng, truyền thống của quê hương, gia đình cũng như các phong trào yêu nước đương thời đã tạo nên nhân cách, chí hướng, tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của người chí sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tố.

Việc sinh ra trong một nhà Nho và lại được học trong trường học của Pháp, cùng với tinh thần ham học hỏi đã góp phần đưa cụ Nguyễn Văn Tố trở thành một trí thức tiêu biểu đương thời, vừa uyên thâm Nho học, vừa giỏi về Tây học. Với tài năng, học thức xuất sắc của mình, và tinh thần yêu nước nồng nàn, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ. Cụ đã tham gia Hội Trí Tri (1910) và cùng tổ chức này tích cực góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí; tham gia vận động thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ.

Cũng đề cập tới người trí thức yêu nước tiêu biểu Nguyễn Văn Tố, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, cụ Nguyễn Văn Tố đã chống lại nạn mù chữ, chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp và đóng góp vào phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. "Từ tháng 9/1938 đến tháng 9/1945 có đến hơn 7 vạn người thoát nạn mù chữ. Hội Truyền bá quốc ngữ đã góp phần vào phong trào "Diệt giặc dốt" lúc bấy giờ".

Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo thống nhất khẳng định với những đóng góp to lớn, sự nghiệp cách mạng vẻ vang, oanh liệt, cụ Nguyễn Văn Tố đã trở thành tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau, đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng Đảng về đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144 -QĐ/TW ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in