Năm 2023, thôn Nà Ngoàn, xã Côn Minh (Na Rì) được thụ hưởng kép chính sách đầu tư hỗ trợ từ Trung ương về thiết chế văn hóa. Nguồn vốn từ Chương trình MTQG đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn với diện tích gần 90m2. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị bên trong gồm: Gần 20 chiếc bàn, 90 chiếc ghế, 02 loa kéo, 02 loa treo tường, 01 tăng âm…
Ông Hà Văn Đạt, Bí thư kiêm Trưởng thôn Nà Ngoàn cho biết: "Cả thôn có 29 hộ dân nhưng trước đây bà con phải họp trong phòng chỉ có 20 chỗ, chật hẹp, bí bách lắm. Vì thế, được Chương trình MTQG và Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, người dân trong thôn rất vui. Vừa rồi, thôn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân và tổng kết thôn cũng thuận lợi hơn rất nhiều".
Từ năm 2022 đến nay, xã Côn Minh có 06 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư làm nhà văn hóa từ nguồn vốn Chương trình MTQG. Đây là nguồn lực giúp địa phương tăng cường thiết chế văn hóa cơ sở và đạt Tiêu chí số 06 về Cơ sở vật chất văn hóa.
Ngày Đại đoàn kết toàn dân năm nay của thôn Cốc Lùng, xã Thượng Quan (Ngân Sơn) dường như vui nhộn hơn những năm trước. Là thôn nằm trong vùng Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ các thôn thuộc xã Thượng Quan có tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng (thuộc Chương trình MTQG) nên Cốc Lùng được đầu tư làm đường giao thông, xây nhà văn hóa. Với người dân Cốc Lùng, việc có đường bê tông vượt núi, có nhà văn hóa khang trang để hội họp, sinh hoạt như một giấc mơ có thật.
Anh Triệu Văn Quan, Trưởng thôn Cốc Lùng phấn khởi: "Được Nhà nước đầu tư làm đường, xây nhà văn hóa, cấp téc nước khiến bộ mặt của thôn thay đổi nhiều. Bà con trong thôn rất vui và càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước hơn”.
Thôn 2 Khau Cưởm, xã Sỹ Bình (Bạch Thông) có 34 hộ dân, năm 2022 được đầu tư xây dựng nhà văn hóa 80 chỗ ngồi với kinh phí 800 triệu đồng từ Chương trình MTQG. Có nhà văn hóa mới khang trang, rộng rãi giúp cho các hoạt động cộng đồng trong thôn phong phú, hấp dẫn hơn. Theo đề án đã được HĐND xã thông qua, thôn 2 Khau Cưởm và thôn 1b Khau Cưởm sáp nhập thành một thôn. Sau sáp nhập tổng số hộ dân của thôn mới là 75 hộ, trong khi nhà họp thôn của thôn 2 Khau Cưởm có 80 chỗ ngồi nên không cần phải xây dựng nhà họp thôn mới.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giai đoạn từ năm 2019 – 2024, các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai có hiệu quả ở các địa phương. Toàn tỉnh có 1.186/1.292 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt 91,8%, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 90,8%, có 28 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn chuẩn văn hoá nông thôn mới”. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS luôn được chú trọng. Cùng với các nguồn lực khác, Chương trình MTQG đã góp phần giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN xây dựng 59 nhà văn hóa xã, văn hóa thôn. Điều này, góp phần hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Hiện tại, Bắc Kạn đang hoàn tất việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, trong đó có nhiều thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Việc sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động tại thôn, cũng như hoàn thiện hạ tầng thiết yếu sau sáp nhập là điều quan trọng. Vì thế, các địa phương nằm trong vùng hưởng thụ Chương trình MTQG cần tranh thủ, sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực quan trọng này giải bài toán kinh phí đầu tư cho các công trình cộng đồng, trong đó có nhà văn hóa thôn./.