Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014

 

Sáng ngày 20/8 Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐPCLB) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Hoàng Trung Hải-Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Cao Đức Phát-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các thành viên BCĐ Trung ương và các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng bị lũ quét và sạt lở đất. Tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Nông Văn Chí-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở ngành liên quan.

 

Năm 2014 thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trên cả nước đã gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản.  Lũ quét đã gây ra 250 đợt, làm hơn 600 người chết, hơn 7 nghìn ngôi nhà cuốn bị trôi, hàng trăm héc ta hoa màu bị vùi lấp, thiệt hại ước tính hơn 3 nghìn tỷ đồng tại một số tỉnh như: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh…Để chủ động phòng chống lũ quét và sạt lở, 16 tỉnh phía bắc đã xây dựng phương án phòng chống như: phân vùng ngập lụt, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, cắm biển báo những khu vực lũ quét, triển khai công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư có vùng bị ảnh hưởng thiên tai, diễn tập ứng phó, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn kịp thời.

Là tỉnh do nằm ở thượng nguồn của 4 hệ thống sông Cầu, sông Năng, Bắc Giang, Phó Đáy với địa hình đồi núi chia cắt mạnh, có độ dốc lớn nên tỉnh Bắc Kạn nằm trong khu vực nguy cơ cao về sạt lở lũ quét. Hậu quả do lũ quét sạt lở đất gây ra tác động trực tiếp đến các hộ dân sống ở vùng nông thôn, tác động đến nông nghiệp, sản xuất của nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương và khó có khả năng tự phục hồi sau thiên tai. Việc khắc phục hậu quả sạt lở đất, lũ quét là rất khó khăn do mức độ thiệt hại, phạm vi thường rất lớn. Tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng phương án phòng tránh, sạt lở đất để chỉ đạo toàn tỉnh thực hiện. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các địa bàn, từng lĩnh vực nhằm chủ động khi có mưa bão, lũ quét, sạt lở đất xảy ra, rà soát các điểm có nguy cơ thiên tai cao. Tính đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh có 344 điểm có nguy cơ thiên tai cao, với 2.196 hộ, 9.076 nhân khẩu. Trong đó có nguy cơ về lũ ống, lũ quét 66 điểm với 382 hộ, 1.714 nhân khẩu; nguy cơ về sạt lở đất 218 điểm với 1.185 hộ; nguy cơ ngập lụt 60 điểm. Trong 2 năm gần đây (2013-2014) thiên tai đã làm 7 người chết, 3.887 ngôi nhà bị ngập nước, tốc mái, sạt lở. Thiệt hại 1.380ha hoa màu; hơn 5 nghìn vật nuôi bị cuốn trôi; 50 phòng học bị hư hỏng; 99 công trình thủy lợi bị vùi lấp, xói lở, cuốn trôi; hơn 600 nghìn m3 đất đá, sạt lở. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2014 thiệt hại làm 2 người chết; 2 người bị thương; hơn 370 ngôi nhà bị thiệt hại; 18 công trình bị hư hỏng…Để chủ động phòng tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các điểm có nguy cơ ngập lụt, cơ quan thường trực phối hợp với các địa phương chỉ đạo rà soát các điểm có nguy cơ ngập lụt, kiểm tra các công trình giao thông, thủy lợi, công trình chống lũ trước mùa mưa, có phương án sửa chữa khắc phục để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo cho chủ trương xây dựng phương án bố trí dân cư xen ghép giai đoạn 2014-2015, khi có mưa lớn, có nguy cơ xảy ra lũ quét chính quyền địa phương chủ động di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự chủ động phòng tránh có hiệu quả trong nhân dân, các tổ chức, đoàn thể.

Thảo luận tại Hội nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã báo cáo những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn về công tác phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An…nêu những khó khăn, vướng mắc về những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và đồng thời đã đưa ra các phương án, nhiệm vụ, kiến nghị trong thời gian tới để chủ động đối phó, phòng chống thiên tai khi xảy ra.

Kết luận tại Hội nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao của các bộ ngành, địa phương đã cố gắng triển khai và thực hiện giải pháp công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế được số người chết và tăng cường công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế chưa kiểm soát được thiên tai, chưa có giải pháp cụ thể, rà soát các vùng, điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở còn chậm…Để ứng phó với thiên tai bảo vệ người và tài sản cho người dân, Phó Thủ tướng đề nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu những ý kiến của các địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương xây dựng các phương án, mô hình, để góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai. Tập trung triển khai công tác đảm bảo phòng chống lũ quét, sạt lở, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, trang bị các phương tiện và nhân lực để khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra, thông tin kịp thời để người dân chủ động nắm bắt phòng tránh hiệu quả. Xây dựng hệ thống cảnh báo, sử dụng các phương tiện, chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ để kịp thời chủ động ứng phó khi có diễn biễn thiên tai xảy ra.

Phương Thảo

Xem thêm

Video

Đọc báo in