Đặc sắc nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX - năm 2015”, hoạt động trình diễn, giới thiệu các trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong vùng diễn ra vào ngày 11/9 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Kạn đã tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, góp thêm nhiều màu sắc văn hóa đa dạng phong phú cho ngày hội...

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX - năm 2015”, hoạt động trình diễn, giới thiệu các trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong vùng diễn ra vào ngày 11/9 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Kạn đã tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, góp thêm nhiều màu sắc văn hóa đa dạng phong phú cho ngày hội...

Khu vực Đông Bắc bên cạnh là một vùng đất núi non kì vĩ, phong cảnh hữu tình nên thơ, còn là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em. Chính sự đa dân tộc này đã làm nên sự phong phú về bản sắc văn hóa. Sự đồng điệu, nét đặc thù, điểm chung, nét riêng, dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong nếp sống, trang phục, trong ăn uống, cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày của đồng bào các dân tộc, trở thành tài sản phi vật thể quý báu không chỉ của vùng này mà còn là di sản quốc gia và nhân loại. Đến với “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX - năm 2015”, mỗi đoàn đều mang đến một trích đoạn lễ hội hoặc một trích đoạn nghi thức, sinh hoạt văn hóa đặc trưng của địa phương mình, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng trong văn hóa vùng miền.

Lễ
Trích đoạn nghi lễ “Thầy Tào cấp sắc cho thầy Pựt” của dân tộc Tày ở Bắc Kạn.

Mở đầu cho buổi trình diễn, các nghệ nhân đến từ xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đã mang đến trích đoạn đặc sắc trong nghi lễ “Thầy Tào cấp sắc cho thầy Pựt” của dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, cấp sắc không phải là một nghi lễ độc lập hoàn toàn, mà bản thân nó bao hàm cả một số nghi lễ tâm linh khác, chẳng hạn như: lễ cầu phúc, cầu an với mục đích nhằm chấn yên những thế lực tà ma làm hại con người. Nghi lễ cấp sắc cho thầy Pựt là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh hết sức ấn tượng của đồng bào dân tộc Tày vùng Đông Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng, thể hiện ước muốn và khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên của con người. Nghi lễ mang tính giáo dục cao về đạo lý làm thầy, làm người. Những phần diễn xướng của các nghệ đã làm nổi bật nét văn hóa tâm linh của nghi lễ cấp sắc. Nghi lễ đã đưa người xem về những miền xa xăm của kí ức, để cảm nhận được một cách sâu sắc những giá trị văn hóa cổ truyền đầy ý nghĩa mà ông cha để lại.

Đặc sắc nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc ảnh 2

Trích đoạn “Đám cưới dân tộc Dao đỏ” xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

 

Đến với buổi trình diễn, người xem không chỉ được cảm nhận sâu sắc văn hóa tâm linh của dân tộc, mà còn được đến với những nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của mỗi địa phương. Đồng bào Dao đỏ, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã mang đến trích đoạn “Đám cưới dân tộc Dao đỏ” ở Cao Bằng. Đây là một trong những dân tộc còn lưu giữ được ít nhiều những nét độc đáo trong đám cưới. Thông qua trích đoạn này, người xem thấy được tính nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc và trình độ văn minh của thời đại. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, các diễn viên đã tái hiện trên sân khấu lễ ăn hỏi diễn ra tại nhà gái, với những lễ vật gồm gà, rượu, thịt lợn, 10 đồng bạc trắng, trang sức (vòng cổ, vòng tay, xà tích, áo yếm, hoa tai) và 1 số lễ vật thách cưới mà 2 bên gia đình đã thống nhất trước đó. Sau khi quan lang nhà gái kiểm tra thì 2 bên ký vào hôn tự… Thời gian ăn hỏi đến khi cưới khoảng 5 tháng, để cô dâu thêu thùa và chuẩn bị trang phục cho ngày cưới. Khi chính thức tổ chức hôn sự, màn đón dâu với việc làm lễ trước bàn thờ gia tiên, đi qua các bản làng, đến trước cửa nhà trai… cũng được tái hiện khá rõ nét. Trên đường qua các bản làng, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản làng, bài ca mừng đám cưới, cô dâu đeo một tấm vải đỏ che mặt, được bố đẻ cài 2 bông hoa bằng bạc lên đầu với ý niệm thay cho lời chúc phúc. Các chàng trai cô gái trẻ trổ tài hát Páo Dung, những lời ca da diết vang lên khiến người nghe không khỏi xúc động.

Đặc sắc nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc ảnh 3

Trích đoạn "Múa khèn trong lễ hội mùa xuân" của đồng bào Mông ở Hà Giang.

 

Đoàn Hà Giang tái hiện trên sân khấu sự tích về cây khèn của đồng bào Mông, cùng màn múa khèn đặc sắc, đậm chất văn hóa vùng cao. Khèn được gắn với một sự tích buồn kể về những đứa con ngoan, hiếu thảo của đồng bào Mông. Truyện kể rằng: Ngày xưa trong một gia đình có sáu anh em trai ngoan hiền nhưng sớm chịu nỗi đau mất cha mẹ. Để tưởng nhớ cha mẹ, sáu anh em đã sáng tạo, làm nên sáu ống khèn chung trong một cây khèn và khi tiếng khèn cất lên vừa hoành tráng, vừa bi ai. Ban đầu đồng bào Mông chỉ dùng khèn thổi trong đám ma để tưởng nhớ sáu anh em xưa. Dần dần thời gian trôi đi, đồng thời hòa chung với quá trình phát triển hội nhập của các dân tộc, đặc biệt tiếng khèn Mông da diết đã lôi cuốn người nghe và động viên người Mông mạnh dạn đưa cây khèn ra thổi trong các dịp lễ tết, đám cưới, hội hè...

Tiếng khèn ngày càng được chau chuốt, chỉn chu hơn với những âm điệu quyến rũ, nồng nàn và sâu lắng. Ban đầu cây khèn chỉ đơn thuần dùng để thổi, về sau họ đã sáng tạo thêm những điệu múa phối hợp cùng với tiếng khèn. Càng múa tiếng khèn càng hay, các điệu múa và tiếng khèn ngày càng hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Đồng bào dân tộc Mông quan niệm: Là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa. Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Vì vậy con trai Mông ngay từ nhỏ đã được người cha dạy cho cách thổi khèn và múa khèn. Nhưng tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu của người con trai Mông mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ mỗi ngày của người đàn ông...

Theo đánh giá của Ban tổ chức, những màn trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các đoàn tham dự, tuy mang nhiều màu sắc trình diễn sân khấu, nhưng đã làm nổi bật được những nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Mỗi màn trình diễn lại đưa người xem đến với những phong tục, tập quán văn hóa khác lạ của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Cùng với nghi lễ sinh hoạt “Thầy Tào cấp sắc cho thầy Pựt” của dân tộc Tày ở Bắc Kạn; “Đám cưới dân tộc Dao đỏ” ở Cao Bằng; hay "Múa khèn trong lễ hội mùa xuân" của đồng bào Mông ở Hà Giang, các tiết mục như hát Xoan của Phú Thọ, lễ Tết Nhảy của đồng bào Dao ở Vĩnh Phúc… đều đã gây ấn tượng mạnh với người xem./.

Phạm Ngân
 

Xem thêm

Video

Đọc báo in