Bắc Kạn: Thu hút vốn FDI đạt thấp

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một kênh đầu tư quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều tỉnh, thành đã phát triển vượt bậc nhờ thu hút tốt vốn FDI. Tuy vậy thực tế thu hút nguồn vốn này trong 25 năm qua của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn rất thấp.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một kênh đầu tư quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều tỉnh, thành đã phát triển vượt bậc nhờ thu hút tốt vốn FDI. Tuy vậy thực tế thu hút nguồn vốn này trong 25 năm qua của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn rất thấp.

Vừa ít vừa thiếu hiệu quả
Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài trong đó có vốn FDI. Tuy nhiên, hiệu quả thu hút thì lại chưa như mong muốn. Trong 25 năm, Bắc Kạn chỉ có 7 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp với tổng số vốn hơn 82 triệu USD. Trong số này có 2 dự án do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép còn lại là do UBND tỉnh cấp phép. 
Các dự án chủ yếu là của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan, tập trung vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản; trồng, chế biến xuất khẩu chè; sản xuất than hoa… đầu tư vào các địa bàn Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Mới và thị xã Bắc Kạn. Lớn nhất trong số này là dự án Nhà máy xi măng Chợ Mới với tổng vốn hơn 68 triệu USD. 
Qua thực tế triển khai cho thấy, hầu hết các dự án đều có số vốn đầu tư ít và hiệu quả mang lại chưa rõ nét, thậm chí phá sản. Có những dự án như sản xuất than hoa và chế biến nông sản tại Ngân Sơn chỉ có vốn đầu tư 100.000 USD, tương đương 2 tỷ đồng. Trong tổng số 7 dự án đến nay chỉ còn duy trì được 3 dự án đang hoạt động. 
Dự án khai thác tận thu và tuyển luyện vàng sa khoáng tại Tân An (Na Rì) do Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn liên doanh với Công ty TNHH Kẽm Kim Bình Vân Nam (Trung Quốc) triển khai với số vốn 667.000 USD do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp phép đến nay đã hết hạn. Dự án Kẽm Việt Thái (Chợ Đồn) khởi công rình rang với số vốn hơn 11 triệu USD nay bỏ dang dở; nhà máy nằm đìu hiu tại xã Bản Thi. 
Dự án khai thác quặng chì kẽm tại Chợ Đồn liên doanh giữa Công ty TNHH Đồng Tâm và Công ty Hữu hạn Thương mại Trường Phong, Quảng Tây (Trung Quốc) với số vốn 664.000 USD cũng đang tạm dừng để chờ cấp mỏ mới. Dự án Nhà máy xi măng Chợ Mới của Công ty Cổ phần VAXAKI (liên doanh giữa Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn và Công ty TNHH Kẽm Kim Bình Vân Nam- Trung Quốc) có tổng vốn hơn 68 triệu USD đã giải thể năm 2009 và chuyển giao sang cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn. Dự án sản xuất than hoạt tính tại thị xã Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Bắc Hòa (Trung Quốc) có tổng vốn hơn 355.000 USD đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì không triển khai. 
Dự án sản xuất bột ô xít kẽm Việt Thái có vốn đầu tư hơn 11 triệu USD nằm bỏ dở giữa khu vực xã Bản Thi (Chợ Đồn).
Dự án sản xuất bột ô xít kẽm Việt Thái có vốn đầu tư hơn 11 triệu USD đang  bỏ dở giữa khu vực xã Bản Thi (Chợ Đồn).
Hiện tại chỉ còn 3 dự án hoạt động. Hiệu quả nhất là dự án trồng và chế biến xuất khẩu chè của Công ty TNHH Chè PELOYEN thực hiện tại Bằng Phúc (Chợ Đồn). Ngoài ra còn dự án sản xuất than hoa và chế biến sản phẩm nông sản của Doanh nghiệp tư nhân Việt Hàn Bắc Kạn triển khai tại Ngân Sơn; dự án khai thác quặng chì, kẽm tại Chợ Đồn của Công ty TNHH Việt Trung. Tiềm năng của Bắc Kạn đối với thu hút vốn FDI không phải là không có, nhưng hầu hết các dự án đều chỉ tập trung vào khai thác, chế biến khoáng sản. Điều nay cho thấy còn nhiều bất cập và rào cản. 
Tập trung thu hút vốn FDI
Gạt ra ngoài những dự án thiếu hiệu quả thì với các dự án còn hoạt động, hiệu quả kinh tế mang lại là tương đối rõ nét cho thấy tính đúng đắn trong kêu gọi vốn FDI. Ba dự án đang hoạt động đã đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng năm hàng trăm triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động. Khi dự án của Doanh nghiệp tư nhân Việt Hàn Bắc Kạn đi vào hoạt động thì con số này sẽ còn cao hơn. 
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch Đầu tư, rào cản lớn nhất cản trở thu hút vốn FDI là tỉnh ta nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông; lực lượng lao động qua đào tạo cũng như có tay nghề còn rất thấp. Trong khi đó, tiềm năng khoáng sản chưa được đánh giá trữ lượng chính xác nhất; kết cấu hạ tầng du lịch thấp kém; chưa có trung tâm phát triển kinh tế rừng; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Về mặt chủ quan, chúng ta cũng chưa có một lộ trình vận động, thu hút vốn đầu tư chuyên nghiệp. 
Từ những năm trước đây, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng danh mục 64 dự án khuyến khích đầu tư. Trong số đó, chiếm phần đa là các dự án chế biến sâu khoáng sản, nông lâm sản rất có triển vọng. Vấn đề đặt ra là số nhà đầu tư biết và quan tâm tới thì còn chưa tương xứng. Đây là tiềm năng kêu gọi vốn FDI cần phải được phát huy. 
Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư, thời gian tới thu hút đầu tư nước ngoài sẽ theo định hướng và chọn lọc vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như du lịch sinh thái; kinh tế sản xuất gỗ, đá; phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; chế biến nông sản vùng khó khăn; các ngành dịch vụ có giá trị kinh tế cao… Để triển khai, ngành cũng tham mưu thực hiện các nhóm giải pháp về chính sách thu hút; quy hoạch và cải thiện cơ sở hạ tầng; nguồn lực; phối hợp quản lý; xúc tiến đầu tư.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, ban hành quy chế khuyến khích ưu đãi thu hút đầu tư. Quy hoạch sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và xây mới phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng các huyện, thị. Ngoài ra, tập trung giải quyết rào cản về điều kiện cơ sở hạ tầng như điện, đường, giải phóng mặt bằng… Tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới dạy nghề để tạo nguồn lực đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư. Danh mục các dự án đầu tư sẽ được bổ sung tiếp để hoàn thiện cho phù hợp với tiềm năng, định hướng. 
Đây mới là những điều kiện cần. Điều kiện đủ thì Bắc Kạn phải được sự hỗ trợ của trung ương, nhất là có ưu đãi đặc thù vì tỉnh còn nghèo và không thuận về giao thông xuất khẩu. Tuy nhiên, trước hết tỉnh phải đào tạo được đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp. Có như vậy hoạt động thu hút vốn FDI mới rộng rãi và các dự án mang lại hiệu quả cao./.
Tuấn Sơn

Xem thêm

Video

Đọc báo in