Ấm áp thơm "hương Tày" ở Địa Linh

BBK - Cận Tết, nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày có nghề sản xuất hương truyền thống ở xã Địa Linh (Ba Bể) lại tất bật hơn, bởi thời điểm này lượng tiêu thụ tăng cao. Đây là nghề được bà con gìn giữ, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác, vừa tạo việc làm vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Quá trình làm ra cây hương phải trải qua nhiều công đoạn.

Quá trình làm ra cây hương phải trải qua nhiều công đoạn.

Gia đình bà Ma Thị Na, thôn Pác Nghè đã gắn bó với nghề làm hương hơn 20 năm. Bà được mẹ chồng truyền nghề lại khi về làm dâu. Trước đây làm hương vất vả bởi hoàn toàn thủ công, nay đã có máy móc giảm bớt được công sức, thời gian mà chất lượng hương cũng nâng lên rõ rệt.

Đôi tay thoăn thoắt, xòe bó nan tre rồi tung bột hương nhìn tưởng chừng đơn giản, dễ làm nhưng để tạo ra bó hương đều, tròn cả trăm cây hương như một thì đòi hỏi các thao tác phải thuần thục.

Bà Na cho biết: Hương truyền thống được làm hoàn toàn từ 03 loại lá cây rừng, gồm: Cây lá dính xanh, cây kháo hương và cây mục. Sau khi tìm về đem phơi khô rồi nghiền thành bột. Tăm hương được làm từ tre già đem chẻ nhỏ, phơi khô rồi hơ qua lửa. Khi hoàn tất các công đoạn về nguyên liệu, sẽ dùng thanh tre (tăm hương) lăn qua từng loại bột rồi đem phơi. Công đoạn đem phơi ban đầu đòi hỏi sự nhẹ nhàng, cẩn thận bởi các lớp bột còn mềm. Hương được phơi 2 ngày nếu trời nắng mới thành phẩm dùng được. Cây hương đẹp là sau khi lăn đi lăn lại tròn trịa và đều. Hương truyền thống hoàn toàn được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên, không thêm bất kỳ hóa chất nào nên khi thắp có mùi thơm dịu, nhẹ nhàng, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Thôn Pác Nghè có khoảng 20 hộ dân gắn bó với nghề làm hương lâu năm, một số hộ làm thời vụ vào dịp cuối năm. Chất lượng hương đã được khẳng định nên khách hàng tin tưởng, nhất là mấy tháng gần Tết nhiều đơn đặt hàng hơn. Ở các chợ phiên, lượng mua của bà con cũng tăng. Nghề làm hương truyền thống đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập.

Sau khi lăn qua các loại bột, hương được phơi nắng cho đến khi khô.

Sau khi lăn qua các loại bột, hương được phơi nắng cho đến khi khô.

Ông Chỉ Văn Kiến, Trưởng thôn Pác Nghè chia sẻ: Nghề làm hương được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, mẹ chồng truyền dạy cho con dâu, cứ tiếp nối như vậy mà được gìn giữ và phát triển đến nay. Bởi hoàn toàn làm bằng các nguyên liệu từ tự nhiên theo phương pháp truyền thống nên sản phẩm do các hộ làm ra được ưa chuộng trên thị trường.

Cây hương được nhuộm cán màu đỏ, buộc thành từng bó để đem bán.

Cây hương được nhuộm cán màu đỏ, buộc thành từng bó để đem bán.

Việc sản xuất hương đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người dân nơi đây. Để nghề truyền thống này phát triển hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân, chính quyền địa phương cần định hướng, hỗ trợ để liên kết sản xuất, đầu tư máy móc để nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Qua đó giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của nghề thủ công truyền thống vốn mang những nét đặc trưng riêng của địa phương./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in